Product Owner là người chịu trách nhiệm mọi mặt về sản phẩm, kể cả trường hợp sản phẩm thương mại hay sản phẩm nội bộ. Nhiệm vụ của Product Owner là tối ưu hóa lợi nhuận trên đầu tư (ROI – Return On Investment) thông qua việc quyết định các tính năng của sản phẩm, đánh giá độ ưu tiên của từng hạng mục nhằm sắp xếp chúng theo một trật tự ưu tiên, những hạng mục có độ ưu tiên cao thì sẽ được đưa vào phát triển trước, những hạng mục có độ ưu tiên thấp hơn thì sẽ được phát triển sau.

Related image

Product Owner là người có tầm nhìn về sản phẩm, cả ngắn hạn và dài hạn. Product Owner thực hiện việc này thông qua tìm hiểu trường, khách hàng, nghiệp vụ, … Và trong thực tế thì Product Owner là người am hiểu về sản phẩm nhất, có tiếng nói cuối cùng khi đưa ra các quyết định về tính năng của sản phẩm.

Trong một số trường hợp, Product Owner cũng chính là khách hàng của sản phẩm. Điều này thường xảy ra với các ứng dụng nội bộ. Khi đó, các tính năng của sản phẩm sẽ được định hình trực tiếp bởi Product Owner. Product Owner là người am hiểu những nhu cầu cấp thiết của sản phẩm, từ đó đưa ra các yêu cầu về tính năng mà sản phẩm phải có.

Trong một số trường hợp khác, khách hàng của sản phẩm là hàng triệu người khác nhau, với những nhu cầu khác nhau. Lúc đó, vai trò của Product Owner là tương tự như vai trò của Product Manager hoặc Product Marketing Manager. Product Owner tìm hiểu và quyết định các tính năng của sản phẩm với vai trò là đại diện của khách hàng, người dùng, và các bên liên quan khác. Điểm khác biệt lớn nhất giữa Product Owner so với vai trò Product Manager truyền thống đó là Product Owner tham gia tích cực vào quá trình phát triển sản phẩm, thay vì chỉ quản lý và ủy quyền cho những người khác thực hiện các quyết định liên quan đến sản phẩm.

Product Owner không có quyền chỉ định các công việc mà Nhóm Phát triển triển khai trong một Sprint. Nhưng Product Owner có thể hoàn toàn yên tâm về cam kết của Nhóm Phát triển về mục tiêu cố định của Sprint cũng như họ luôn luôn chọn những hạng mục ở phía trên của Product Backlog, tức là những hạng mục mà Product Owner đánh giá là có độ ưu tiên cao nhất.

Nhiệm vụ của Product Owner là tối ưu hóa lợi nhuận trên vốn đầu tư, trong khi đó, khả năng sản xuất của Nhóm phát triển thì có một giới hạn nhất định, do đó Product Owner luôn phải tìm cách để sử dụng khả năng này một cách tốt nhất. Vì vậy, ngoài việc sắp xếp các hạng mục trong Product Backlog thì Product Owner cũng cần phải biết nói “KHÔNG” để loại bỏ những hạng mục không cần thiết.

Để trở thành một Product Owner tốt thì:

  • Product Owner cần được trao quyền quyết định. Product Owner phải thể hiện là “ông chủ” thực sự của sản phẩm chứ không phải là một “người trung gian” đại diện cho một hoặc một vài người khác và không trực tiếp đưa ra các quyết định cũng như không chịu trách nhiệm về các quyết định đó.
  • Product Owner phải có hiểu biết về lĩnh vực sản phẩm đang xây dựng. Hiểu biết này là cần thiết để giữ đúng hướng đi trong quá trình phát triển, đưa ra các quyết định, lựa chọn, thêm hay loại bỏ các tính năng nhằm giữ cho Nhóm phát triển luôn làm việc trên những hạng mục cần thiết nhất và sản phẩm luôn mang lại giá trị cao nhất.
  • Product Owner phải có đủ thời gian cho công việc của mình. Tốt nhất vẫn là làm việc toàn thời gian cho một sản phẩm duy nhất. Nếu Product Owner phải làm việc trên nhiều sản phẩm thì sẽ dẫn đến tình trạng mất tập trung, gây ra suy giảm đáng kể hiệu quả công việc.
  • Product Owner phải có kỹ năng giao tiếp và thương lượng tốt. Quá trình phát triển sản phẩm đòi hỏi Product Owner trao đổi và cộng tác thường xuyên với Nhóm phát triển và các bên liên quan, cùng với đó là việc phải thương lượng để đưa ra các quyết định ảnh hưởng đến sản xuất và sản phẩm. Do đó, các kỹ năng này là rất quan trọng để đảm bảo công việc của Product Owner có thể kết quả cao nhất.

Nguồn: Học viện Agile

Trả lời