Trong những bài viết trước, nhà quản lý dự án được nhắc đến rất nhiều, đặc biệt là trong việc quản lý quá trình thực hiện dự án. Vậy thì họ là ai? Trong các buổi lên lớp, có rất nhiều sinh viên bật cười khi tôi nói: “Vậy các giám đốc dự án tương lai, các em sẽ làm gì? các em sẽ quyết định như thế nào?”. Có lẽ, đa số các bạn sinh viên – những người còn rất trẻ chưa từng nghĩ mình có đủ khả năng để quản lý và lèo lái thành công một dự án nào đó! Vậy thì, bạn có biết Mark Zuckerberg tạo ra Facebook trên ghế giảng đường đại học lúc anh mới 20 tuổi? Hay bạn có nghe nói tới chuỗi cửa hàng cà phê The Coffee House? Người sáng lập ra chuỗi này năm nay vẫn chưa bước qua ngưỡng 30 tuổi. Vậy thì, tuổi trẻ không phải là rào cản và tất nhiên cũng không phải là yếu tố duy nhất để một người hay một vài người nào đó có thể trở thành một nhà quản lý dự án tài giỏi. Thế thì các bạn trẻ, một nhà quản lý dự án tài giỏi muốn gì và cần có tố chất thế nào?
Tất nhiên, nhà quản lý dự án muốn rằng dự án mà mình đã, đang và sẽ thực hiện được thành công. Vậy một dự án thành công là dự án như thế nào? Một dự án được gọi là thành công là dự án đạt được các mục tiêu đặt ra. Như vậy, nhà quản lý dự án cần phải đặt mục tiêu thật rõ ràng và cụ thể. Từ đó, họ mới có thể thực hiện được mục tiêu này. Và với vai trò người đứng đầu – chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động và sự thành công của dự án – nhà quản lý dự án cần có tố chất của một nhà lãnh đạo. Đó chính là kiến thức (knowledge) – kỹ năng (skill), và thái độ (attitude). Hay có thể gọi tắt là KSA.


Tố cần cần thiết đầu tiên của nhà quản lý dự án tất nhiên là kiến thức. Nhà quản lý dự án phải có sự hiểu biết nhất định về chuyên ngành có liên quan đến đặc tính kỹ thuật của dự án mà mình đang thực hiện. Nếu bạn bắt tay vào một dự án trồng dưa lưới thì tất nhiên, bạn cần thiết phải nắm rõ quy trình, đặc tính và những vấn đề kỹ thuật có liên quan đến loại cây này. Từ đó, nếu có những vấn đề về mặt kỹ thuật phát sinh trong quá trình thực hiện dự án, bạn có thể lựa chọn và đưa ra quyết định chính xác và có căn cứ khoa học dựa trên sự hỗ trợ của bộ phận kỹ thuật. Tuy nhiên, đây rõ ràng không phải là mảng kiến thức duy nhất mà một nhà quản lý dự án cần có, việc này hãy để dành riêng cho những nhà quản lý chuyên môn. Kiến thức khác mà nhà quản lý dự án rất cần thiết đó chính là kiến thức tổng hợp về quản lý bao gồm: kiến thức vĩ mô (chính sách, pháp luật, nền kinh tế…), kiến thức vi mô (giá cả, thị trường, cung, cầu, động thái khách hàng…), và tất nhiên, kiến thức về khởi nghiệp. Với những kiến thức tổng hợp này, nhà quản lý dự án có thể đưa ra những quyết sách cho dự án phù hợp với bối cảnh đầy thay đổi của môi trường kinh doanh của dự án. Các kiến thức này có thể được học hỏi và tích lũy thông qua trường lớp, sách báo và các nguồn thông tin khác. Và đây có lẽ là tố chất rất cần thiết nhưng dễ dàng đạt được nhất đối với những START-UP trong thời buổi bùng nổ thông tin hiện nay.

Tố chất thứ hai cũng không kém phần quan trọng, đó chính là kỹ năng. Vậy thì nhà quản lý cần những kỹ năng gì? Tất nhiên, không thể thiếu kỹ năng lãnh đạo. Một nhà quản lý dự án tài ba là người có thể khiến cả đội ngũ thực hiện dự án hiểu rõ và phấn đấu để đạt được mục tiêu dự án. Điều này chỉ có thể đạt được khi nhà quản lý dự án thực hiện thật tốt vai trò nhà lãnh đạo của mình. Để đạt được kỹ năng lãnh đạo, nhà quản lý dự án cần có các kỹ năng khác như kỹ năng giao tiếp và thông tin trong quản trị dự án (kết nối các bộ phận trong dự án), kỹ năng thương lương và giải quyết khó khăn vướng mắc (xử lý và đưa ra quyết sách cho những trở ngại trong quá trình quản lý dự án), kỹ năng giải quyết xung đột (giữa các bên liên quan trong dự án), kỹ năng tiếp thị và quan hệ khách hàng (thực hiện các công việc ngoại giao), và kỹ năng ra quyết định (lựa chọn dựa trên cơ sở khoa học). Có lẽ, những kỹ năng này khiến cho nhà quản lý dự án trở thành một “siêu nhân” trong con mắt của độc giả. Đúng như vậy! Đây là tất cả nhưng kỹ năng cần thiết để trở thành một nhà quản lý dự án tài ba. Kỹ năng là thứ mà chúng ta có thể học hỏi và rèn luyện liên tục để đạt được đến mức độ thuần thục.Vậy thì tại sao bạn không bắt tay vào rèn luyện những kỹ năng ấy ngay từ bây giờ?
Và cuối cùng nhưng không phải kém quan trọng nhất: Thái độ. Còn nhớ rằng tôi đã nhắc đến chuyện các bạn sinh viên bật cười ở đầu bài viết? Lần ấy, tôi chợt nhớ đến một câu nói được đề cập trong một bài viết online nào đó và nó làm tôi phải lần mò đến nguồn gốc của câu nói ấy. Câu nói đó là:
“I am convinced that life is 10% what happens to me and 90% how I react to it. And so it is with you…we are in charge of our attitudes.” ― Charles R. Swindoll

Tạm dịch:

Tôi tin rằng cuộc sống bao gồm 10% những gì xảy ra đối với tôi và 90% là cách tôi phản ứng. Và với bạn cũng vậy thôi… chúng ta là người chịu trách nhiệm về thái độ của chính chúng ta

Vậy thì thái độ đối với công việc, đối với cơ hội, đối với thách thức, và nhất là đối với dự án mà ta đang quản lý chính là chìa khóa của sự thành công. Thái độ không thể được học qua sách vở, không thể được rèn luyện thông qua thực hành mà nó xuất phát từ chính chúng ta. Một nhà quản lý dự án cần có thái độ sáng tạo, quyết đoán, kiên trì, nhẫn nại, hòa đồng, cởi mở, và rất rất nhiều thái độ tích cực khác để có thể theo đuổi công việc và trách nhiệm của một nhà lãnh đạo, của một STAR-UP.

Source: Internet

Trả lời