ISO 9000 là bộ tiêu chuẩn về hệ thống quản lý chất lượng do tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (International Organization for Standardization – ISO)[1]  ban hành vào năm 1987. ISO 9000 được xây dựng trên cơ sở các kinh nghiệm quản lý tốt của DN trên toàn thế giới. ISO 9001, Hệ thống quản lý chất lượng – các yêu cầu, là tiêu chuẩn phổ biến nhất trong bộ tiêu chuẩn ISO 9000. ISO 9001 quy định các yêu cầu đối với hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL), và được sử dụng để xây dựng, đánh giá HTQLCL của các tổ chức, doanh nghiệp. ISO 9001 có thể áp dụng đối với mọi tổ chức, DN, không phân biệt phạm vi, quy mô hay sản phẩm, dịch vụ cung cấp. Ngày nay, áp dụng ISO 9001 vào hoạt động sản xuất gần như là yêu cầu bắt buộc của các tập đoàn đa quốc gia đối với nhà cung ứng.

Image result for iso 9001

 

Lợi ích

Về cơ bản, các lợi ích mà ISO 9001 đem lại cho DN là:

  • Đối với hoạt động sản xuất của DN: ISO 9001 giúp xây dựng HTQLCL tinh gọn, chặt chẽ, vận hành hiệu quả; Cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả công việc trên cơ sở tận dụng tối đa mọi nguồn lực; Hạn chế sai sót, đưa ra cách xử lý, biện pháp khắc phục kịp thời; Cải tiến chất lượng công việc thông qua các công cụ kiểm soát trong HTQLCL.

Đối với DN CNHT, và DN chế tạo nói chung, ISO 9001 giúp kiểm soát và ổn định chất lượng sản phẩm, hạn chế lỗi hỏng và giảm tối đa lãng phí trong sản xuất; tăng sản lượng từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của DN.

  • Đối với hoạt động bán hàng: Chứng nhận ISO 9001 giúp củng cố lòng tin của khách hàng đối với DN, đáp ứng yêu cầu của thị trường và khách hàng. Đối với DN CNHT, áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001 là yêu cầu cụ thể của khách hàng và cũng là điều kiện để vượt qua rào cản kỹ thuật khi tham gia vào mạng lưới cung ứng toàn cầu.

ISO 9001 là cơ sở để tích hợp với các tiêu chuẩn quản lý tiên tiến khác như ISO 14001 (Hệ thống tiêu chuẩn quản lý môi trường); ISO 50001 (Hệ thống quản lý năng lượng); OHSAS 18001 (Hệ thống quản lý an toàn sức khỏe nghề nghiệp)… ISO 9001 là nền tảng để hình thành các tiêu chuẩn chuyên biệt trong các ngành công nghiệp quan trọng như ISO/TS 16949 (Tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng đối với các cơ sở sản xuất ô tô, xe máy và phụ tùng); ISO 13485 (Tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng đối với các cơ sở sản xuất trang thiết bị y tế).

Hiện nay ISO 9001 được xem là giải pháp cơ bản để nâng cao năng lực của bộ máy quản lý DN. Hầu hết các DN khi muốn cải tổ bộ máy, nâng cao năng lực cạnh tranh đều lựa chọn áp dụng ISO 9001 cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Tính đến tháng 12 năm 2014, đã có 1.138.155 tổ chức, công ty của 188 quốc gia trên toàn thế giới được chứng nhận phù hợp theo tiêu chuẩn này, trong đó tập trung chủ yếu ở 2 lục địa là Châu Âu (483.719 chứng chỉ, chiếm 42,5%) và Châu Á – Thái Bình Dương (476.027 chứng chỉ, chiếm 41,8%).[2]

  • Phiên bản ISO 9001:2015

Từ khi ra đời, tiêu chuẩn ISO 9001 liên tục được soát xét và cập nhật vào các năm 1994, 2000, 2008 và năm 2015. Phiên bản mới nhất, ISO 9001:2015, được chính thức ban hành vào 15/9/2015. Theo hướng dẫn của Diễn đàn các tổ chức công nhận quốc tế (International Accreditation Forum – IAF), mọi giấy chứng nhận ISO 9001:2008 sẽ hết hiệu lực sau ngày 14/09/2015 (3 năm sau khi tiêu chuẩn mới được ban hành) và các tổ chức phải xây dựng, chứng nhận ISO 9001:2015 kể từ ngày 15/09/2015. Cụ thể như sau:

  • Đối với các tổ chức, DN đã được chứng nhận theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 trước ngày 15/9/2015 thì: Giấy chứng nhận vẫn còn hiệu lực cho tới hết thời hạn ghi trên giấy chứng nhận. Trong thời hạn nêu trên, các tổ chức, DN có thể đăng ký để được chứng nhận chuyển đổi sang tiêu chuẩn ISO 9001:2015 vào bất kỳ thời điểm nào. Các tổ chức, DN có thể lựa chọn để được đánh giá chuyển đổi trong lần đánh giá giám sát, đánh giá chứng nhận lại hoặc thông qua một cuộc đánh giá chuyển đổi riêng.
  • Đối với các tổ chức, DN được chứng nhận trong khoảng thời gian chuyển đổi từ 15/9/2015 đến hết 14/9/2018: Các tổ chức, DN có thể lựa chọn chứng nhận theo phiên bản ISO 9001:2008 hoặc phiên bản ISO 9001:2015. Tuy nhiên, nếu lựa chọn chứng nhận theo phiên bản ISO 9001:2008 thì giấy chứng nhận sẽ chỉ có hiệu lực tối đa đến hết ngày 14/9/2018, và các tổ chức, DN có thể lựa chọn để chuyển đổi sang tiêu chuẩn ISO 9001:2015 như hướng dẫn ở phần trên.
  • Đối với các tổ chức được chứng nhận sau ngày 14/9/2018: Mọi hoạt động đánh giá chứng nhận sau thời điểm này đều phải theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015. Mọi giấy chứng nhận theo phiên bản ISO 9001:2008 sau thời điểm này đều không có giá trị.

Vì vậy, để thuận tiện và không phải chuyển đổi, tại thời điểm này các DN nên xây dựng, áp dụng phiên bản mới nhất là ISO 9001:2015.

Trong tiêu chuẩn ISO 9001:2015, tổ chức phải áp dụng cách tiếp cận theo quá trình khi tiến hành lập kế hoạch, thực hiện và phát triển HTQLCL (phiên bản ISO 9001:2008 chỉ khuyến khích, xúc tiến tiếp cận quá trình). Cách tiếp cận này, kết hợp với tư duy dựa trên rủi ro và sử dụng chu trình PDCA ở tất cả các cấp cho phép DN kiểm soát hiệu quả các mối quan hệ tương quan và phụ thuộc lẫn nhau giữa các quá trình trong hệ thống, tận dụng cơ hội và ngăn ngừa các ảnh hưởng tiêu cực.

[1] Tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế (International Organization for Standardization – ISO) là cơ quan thiết lập tiêu chuẩn quốc tế bao gồm các đại diện từ các tổ chức tiêu chuẩn các quốc gia. Được thành lập vào ngày 23/2/1947, ISO có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ, đến nay đã có 163 quốc gia thành viên. Tổ chức này đã đưa ra các tiêu chuẩn thương mại và công nghiệp trên phạm vi toàn thế giới.

[2] ISO Survey 2014, www.iso.org

Source: Vietnam Manufacturing

Trả lời