5S là công cụ để xây dựng và duy trì một tổ chức, môi trường làm việc hiệu suất cao, sạch sẽ, an toàn. 5S giúp giảm thiểu các lãng phí tại các công đoạn công việc trong một quá trình như rút ngắn thời gian vận chuyển, thời gian tìm kiếm, loại bỏ các lỗi chủ quan của con người. Thông qua hoạt động 5S, ý thức làm việc tập thể được nhận thức rõ và nâng cao, tăng cường tính đoàn kết, khuyến khích sự sáng tạo, cải tiến trong công ty.

5S là công cụ mang tính nền tảng, cơ bản trong sản xuất tinh gọn bởi vì nó có thể sử dụng trong đo lường, phân tích, cải thiện và kiểm soát từng quá trình. 5S đòi hỏi sự cam kết, nhận thức và sự tham gia của tất cả mọi người từ lãnh đạo cho tới người công nhân bởi vì hoạt động 5S dành cho tất cả mọi người và không loại trừ bất kì ai trong công ty. Tên gọi của 5S xuất phát từ những chữ cái S trong tiếng Nhật, đó là:

– Sàng lọc (Seiri – Sort): Phân loại những vật dụng, thiết bị, nguyên vật liệu, đồ dùng cần thiết và không cần thiết, nhằm để những thứ thường được sử dụng phải luôn có sẵn, gần kề và dễ dàng tìm thấy. Những thứ ít sử dụng hay không cần dùng đến được loại bỏ hay đem ra khỏi nơi sản xuất. Sàng lọc thường được tiến hành theo tần suất định kì.

– Sắp xếp (Seiton – Straighten): Sắp xếp là một hoạt động bố trí các vật dụng làm việc, bán thành phẩm, nguyên vật liệu, hàng hóa… tại những vị trí hợp lý sao cho dễ nhận biết, dễ lấy, dễ trả lại nhằm mục đích loại bỏ được thời gian tìm kiếm, giảm thiểu tồn kho, giảm chi phí, giảm mức tối thiểu số thao tác mà công nhân thực hiện cho một công việc. Nguyên tắc chung của sắp xếp là bất kì vật dụng cần thiết nào cũng có vị trí quy định riêng và kèm theo dấu hiệu nhận biết rõ ràng và cần được tuân thủ một cách triệt để.

– Sạch sẽ (Seiso – Shine): Giữ các máy móc và khu vực làm việc sạch sẽ nhằm ngăn ngừa các vấn đề phát sinh do vệ sinh kém. Sạch sẽ cũng là hoạt động cần được tiến hành định kì.

– Săn sóc (Sheiketsu – Standardize): Săn sóc được hiểu là việc duy trì định kì và chuẩn hóa 3S đầu tiên một cách có hệ thống. Khuyến khích, truyền đạt và huấn luyện về 5S để biến việc áp dụng trở thành một phần văn hóa của công ty. Ngoài ra việc duy trì cũng được phân công rõ phạm vi trách nhiệm của mỗi cá nhân và một nhóm giám sát việc tuân thủ các quy định về 5S.

– Sẵn sàng (Shitsuke – Sustain): Sẵn sàng được thể hiện ở ý thức tự giác của người lao động đối với hoạt động 5S. Các thành viên đều nhận thức rõ tầm quan trọng của 5S, tự giác và chủ động kết hợp nhuần nhuyễn các chuẩn mực 5S với công việc để đem lại năng suất công việc cá nhân và năng suất chung của công ty cao hơn.

Lợi ích của 5S:

  • Nơi làm việc trở nên sạch sẽ và ngăn nắp hơn.
  • Tăng cường phát huy sáng kiến cải tiến
  • Mọi người trở nên có kỷ luật hơn.
  • Các điều kiện hỗ trợ luôn sẵn sàng cho công việc
  • Chỗ làm việc trở nên thuận tiện và an toàn hơn.
  • Cán bộ công nhân viên tự hào về nơi làm việc sạch sẽ và ngăn nắp của mình.
  • Đem lại nhiều cơ hội kinh doanh hơn.

5S là tên của một phương pháp quản lý, sắp xếp nơi làm việc. Nó được viết tắt của 5 từ trong tiếng Nhật gồm: Seiri (整理 Sàng lọc), Seiton (整頓 Sắp xếp), Seiso (清掃 Sạch sẽ), Seiketsu (清潔 Săn sóc), và Shitsuke (躾 Sẵn sàng).

5S được áp dụng lần đầu tiên ở Toyota và phát triển rất nhanh sau đó ở các công ty Nhật Bản. Sau đó được phổ biến sang nhiều nước khác. Ở Việt Nam, 5S lần đầu tiên được áp dụng vào năm 1993, ở 1 công ty Nhật (Vyniko). Hiện nay, rất nhiều công ty sản xuất ở Việt Nam áp dụng 5S vì có nhiều lợi ích từ 5S như: chỗ làm việc sạch sẽ, gọn gàng, mọi người đều cảm thấy thoải mái, vui vẻ, năng suất lao động cao, hiệu quả tức thời, hiện ra ngay trước mắt, tạo hình ảnh tốt cho công ty.

–Wikipedia–

Nguồn: Công cụ quản lý chất lượng 5S – Vietnam Manufacturing

Trả lời